Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn
Tình trạng rốn của trẻ sơ sinh phình lên mỗi khi khóc hoặc rướn người làm bố mẹ lo lắng. Đây chính là biểu hiện của thoát vị rốn - một dị tật rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn và cách chữa trị, hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây nhé!
Xem thêm:
- Điều trị thẩm mỹ rốn lồi giải quyết tính thẩm mỹ vùng bụng
1. Thoát vị rốn là gì?
Cách đơn giản giúp bố mẹ nhận biết trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn
Thoát vị rốn là tình trạng một phần nội tạng của trẻ sơ sinh rời khỏi vị trí bình thường và tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng có thể là ruột hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng. Thông thường thoát vị rốn thường xảy ra ở trẻ sinh non, trẻ có cân nặng thấp, đặc biệt có nhiều hơn ở bé gái.
2. Tại sao bé bị thoát vị rốn?
Trẻ mới sinh thường có một đoạn dây rốn được gắn ở bụng. Dây rốn này rất quan trọng trong suốt thời gian trong bụng mẹ bởi nó đưa dưỡng chất từ cơ thể người mẹ sang để nuôi bé. Thường thì 1-2 tuần sau khi sinh cuống rốn sẽ teo dần và rụng đi. Vết thương tại rốn sẽ tự lành và tạo nên rốn ở trẻ. Tuy nhiên, có một số trường hợp các cơ bụng đóng không kín từ đó tạo thành thoát vị rốn.
3. Các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn
- Khi bị thoát vị rốn, bố mẹ sẽ nhìn thấy một khối tròn nổi lên ngay tại vị trí lỗ rốn của trẻ sơ sinh.
- Khối thoát vị sẽ to lên khi bé khóc, ưỡn người, ho…và có thể nhỏ đi hoặc biến mất khi trẻ thư giãn.
- Thoát vị rốn thường không gây đau cho trẻ.
4. Biến chứng khi trẻ bị thoát vị rốn
Khi trẻ bị thoát vị rốn rất hiếm khi gây nên những biến chứng nguy hiểm. Biến chứng ở đây là khi một đoạn ruột bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại trong ổ bụng. Khi đó, máu tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau ở vùng rốn, tổn thương mô ruột, thậm chí là bị hoại tử và đe dọa tới tình mạng của trẻ.
Vì vậy, bố mẹ cần chú ý đứa trẻ đi khám ngay nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng sau:
Trẻ cần đi khám ngay nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng bất thường
- Trẻ khóc to, khó dỗ nín.
- Bụng trẻ to và tròn hơn bình thường.
- Khối thoát vị sưng nề và đỏ.
- Sốt.
- Nôn.
- Trẻ khó đi ngoài hoặc có máu trong phân.
5. Cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn
Khi trẻ bị thoát vị rốn các bác sĩ thường khuyên bố mẹ không làm gì vì đa số trẻ sẽ tự khỏi khi được 1 tuổi. Lúc đó, cơ thành bụng khỏe hơn có thể tự đóng kín lỗ hổng thành bụng và thoát vị sẽ tự biến mất.
Các chuyên gia khuyên không nên sử dụng đồng xu để chữa thoát vị rốn. Bởi phương pháp này không thích hợp và có thể ngăn cản dòng máu tới nuôi tổ chức bên trong khối thoát vị. Từ đó, dễ làm tình hình xấu đi hoặc gây nhiễm trùng.
Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp khối thoát vị rất lớn và gây đau đớn cho trẻ. Ngoài ra, khối thoát vị rốn to lên khi bé được 1 hoặc 2 tuổi, không mất đi khi bé lên 4, bị nghẹt… thì bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật. Khi mổ, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ tại chân rốn. Tổ chức thoát vị được đưa trở lại vào ổ bụng, lỗ hở ở thành bụng được đóng lại.
6. Cách phòng tránh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh trẻ bị thoát bị rốn thì cách duy nhất là cố gắng không để trẻ bị sinh non.
Bài viết trên đây giúp bố mẹ nhận biết trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn và có cách chăm sóc tốt nhất nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm ở trẻ.