Gợi ý 4 món ngon đặc trưng ngày Tết không thể bỏ qua
Tết Nguyên Đán Bính Thân đang đến gần, không khí xuân đang rộn ràng khắp nơi. Tết này bạn sẽ làm món gì để chiêu đãi bạn bè và người thân? Xin gợi ý với các bà nội trợ những món ngon đặc trưng ngày Tết không thể bỏ qua dưới đây để có một mâm cỗ trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên và may mắn.
1. Giò xào.
Đây là một trong những món ăn ngày Tết rất phổ biến trong các gia đình và được nhiều người yêu thích. Món ăn này không quá khó để thực hiện, tuy nhiên bạn cũng cần phải tốn khá nhiều thời gian để chuẩn bị đấy.
Giò xào - món ngon ngày Tết được rất nhiều người yêu thích.
Nguyên liệu gồm có:
- lưỡi lợn, tai lợn, mép lợn, mộc nhĩ, hành tỏi, nước mắm, hạt tiêu.
- Bạn chuẩn bị thêm lá chuối hoặc mo cau, khuôn sắt để tạo khối cho giò xào.
Cách làm món giò xào:
- Hành tỏi đem băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm, thái thành sợi.
- Đem thịt cạo lông, rửa sạch với nước muối, sau đó cắt mỏng, bản lớn.
- Trộn các nguyên liệu với mộc nhĩ, hành tỏi, nước mắm, hạt tiêu và ướp trong khoảng 30 phút cho gia vị ngấm vào.
- Cho tất cả vào một chảo, đảo đều tay cho đến khi thịt xào có màu hơi xém vàng. Đổ thịt vào lá chuối đã lau sạch, sau đó bó chặt theo hình dáng cây giò. Nếu không dùng lá chuối thì bạn cũng có thể cho vào khuôn và nén chặt lại.
- Treo cây giò lên cho chảy bớt mỡ, sau khi nguội thì đem bỏ vào tủ lạnh.
Như vậy là bạn đã hoàn thành món giò xào cho mâm cỗ ngày Tết rồi đấy.
2. Dưa hành.
Một món ăn không thể bỏ qua khi nhắc đến ngày Tết đó là dưa hành. Dưa hành đi kèm với bánh chưng, giò chả sẽ giúp bạn không có cảm giác ngấy và dễ dàng thưởng thức hơn.
Cách muối dưa hành tuy đơn giản, nhưng thật ra để có một mẻ dưa muối hành ngon đòi hỏi sự khéo léo và cầu kỳ của chị em.
Dưa hành - món ăn ngày Tết không thể thiếu với nhiều gia đình.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 kg hành củ, đường, muối, gừng, ớt.
Cách muối dưa hành ngon:
- Sau khi mua hành về, bạn ngâm hành vào nước vài tiếng cho sạch rồi mới bóc lớp vỏ ngoài và cắt bỏ rễ. Sau đó xóc với muối để khoảng 2 ngày rồi mới rửa sạch và để ráo nước.
- Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập, ớt bỏ hạt cắt lát.
- Pha đường, muối cùng với nước ấm rồi đổ vào lọ thủy tinh, nếm thử vừa độ mặn ngọt. Sau đó đổ hành, gừng, ớt vào đảo đều. Để khoảng 1 tuần là ăn được.
3. Gà nấu đông.
Không giống như thịt lợn, thịt gà mềm và có mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Nếu trước đây bạn đã quá quen với món thịt lợn nấu đông thì món gà nấu đông cũng là một biến thể tuyệt vời. Đây cũng là món ăn ngon khoái khẩu của nhiều gia đình trong những ngày thời tiết lạnh giá của mùa đông và những ngày Tết.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Mộc nhĩ, nấm hương, thịt gà, muối, gia vị, hạt tiêu.
Cách làm:
- Gà xát muối, rửa sạch, lọc xương để riêng, sau đó thái thành miếng, ướp với 1 thìa cafe gia vị và hạt tiêu. Phần xương đem ninh lấy nước dùng.
- Mộc nhĩ, nấm hương ngâm, rửa sạch, sau đó cắt chân và thái mộc nhĩ thành dạng sợi, nấm hương để nguyên cả cái.
- Gà sau khi ướp đem xào cho săn ại, nêm gia vị cho vừa, cho nấm hương và mộc nhĩ vào đảo đều.
- Đổ nước dùng vào nồi gà, cho lượng nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho gà chín đều, nêm gia vị cho vừa miệng. Để gà dễ đông thì bạn cũng có thể bỏ thêm chân gà hoặc miếng bì lợn vào nồi.
Sau khi chín đem múc ra bát cho nguội hoặc cho vào tủ lạnh để nhanh đông.
4. Thịt hun khói.
Mỗi dịp Tết đến, hầu như nhà nào cũng tích trữ sắn một ít thịt hun khói để dành tiếp đãi khách. Thực chất món ăn này không khó làm, bạn có thể tham khảo cách làm thịt hun khói dưới đây.
Nguyên liệu: thịt chân giò, chè mạn, xì dầu, muối, gạo và đường.
Cách làm:
- Ngâm thịt sống trong hỗn hợp nước xì dầu pha đường trong khoảng 2 ngày để thịt thấm vị mặn và thơm tự nhiên.
Khói để hun thịt được tạo bởi hỗn hợp gạo, đường, chè mạn, bạn làm chảy đường rồi cho thịt lên vỉ hấp, đậy vung kín rồi thỉnh thoảng lật lại cho thịt chín đều là bạn đã có món thịt thơm ngon rồi đấy.
Trên đây là 4 món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt. Dr.Hải Lê chúc các bạn một năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, hạnh phúc bên gia đình và người thân.