Vợ chồng độc lập về tài chính lợi hay hại?
Thời nay, phụ nữ đã không còn sống phụ thuộc vào đàn ông về tài chính. Thậm chí nhiều người giỏi dang còn có mức lương cao hơn cả của chồng mình. Điều này thể hiện quan hệ bình đẳng, độc lập giữa phụ nữ và đàn ông hiện đại. Do vậy, việc mỗi người một tài khoản riêng, không phụ thuộc vào tài chính của nhau dần trở thành tâm lý chung của xã hội. Tuy nhiên việc này có lợi hay có hại cho các cặp vợ chồng chúng ta sẽ cùng tìm hiểu!
Chia sẻ về vấn đề tài chính giữa 2 vợ chồng, anh Long - Mỹ Đình - Hà Nội cho biết: Có lần anh muốn mua chiếc máy ảnh chuyên nghiệp để phục vụ thú chơi cá nhân, biết vợ có sẵn tiền nhưng anh Long vẫn chọn phương án mua trả góp chứ không phải là hỏi vay vợ. Anh thà chấp nhận mất thêm tiền mua trả góp còn hơn về hỏi vợ. Bởi một lần vay tiền vợ để đổi xe số sang xe ga anh đã khiến anh rất bực bội trong lòng. Bình thường không sao, nhưng một lần cãi nhau, sau khi lôi vài thói xấu của nhau ra để tổng sỉ vả chị đã nhăm nhe đòi lại tiền anh vay.
Anh và chị quen nhau từ thời còn đi du học ở Anh. Từ lúc là bạn bè đến khi chính thức yêu nhau và trở thành vợ chồng, họ đã quen với việc mỗi lần đi chơi hay ăn uống chung ai tiêu khoản gì thì người ấy trả hoặc “ cưa đôi” hóa đơn để không ai mang tiếng lợi dụng tiền bạc của ai. Kết hôn xong, ban đầu họ cũng định chọn phương án mỗi người góp một nửa cho các khoản chi tiêu chung, nhưng do bất đồng việc ai giữ quỹ chung nên vợ anh quyết định anh sẽ lo các khoản điện nước, dịch vụ nhà cửa ( do sống ở khu chung cư)... còn chị sẽ chi tiêu ăn uống hàng ngày. Sau này sinh con hoặc có gì thay đổi thì vợ chồng sẽ bàn bạc lại. Ngoài ra, ai muốn mua sắm đồ đạc gì cho gia đình thì hoặc tự bỏ tiền mua hoặc đề nghị người kia góp. Anh Long cho biết anh cảm thấy hài lòng với cách chia quỹ của vợ.
Gia đình chị Hằng - Phú Nhuận - TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những gia đình mà “ tiền ai người ấy giữ”.
Chị Hằng cho biết: trước kia chồng chị làm trong ngành ngân hàng anh cũng đưa thẻ lương cho vợ giữ. Nhưng từ ngày anh mở công ty riêng thì vợ chồng anh chính thức mỗi người giữ một tài khoản. Thậm chí, trong phòng ngủ anh chị cũng đặt 2 két sắt, một của chồng và một của vợ. Cả hai chẳng mấy khi hỏi về thu nhập của nhau, chỉ cần biết việc kinh doanh của người kia vẫn suôn sẻ và vẫn có trách nhiệm với gia đình là được. Trong nhà, anh lo phần tiền học cho 2 con còn chị lo các khoản chi tiêu hàng ngày cho gia đình và cả bố mẹ chồng. Tuy nhiên, chị cũng có một kinh nghiệm nhớ đời về việc chia trách nhiệm chi tiêu trong gia đình. Lần đó, anh mải công tác một tháng bên Lào, quên không đóng tiền học cho con. Chị cứ yên tâm chồng đã làm xong trách nhiệm của mình, đến khi con mang giấy thu tiền của trường về đưa mẹ, chị mới té ngửa.
Khi phân tích về vấn đề này, mỗi chuyên gia khác nhau lại có nhận định lợi hại khác nhau.
Chuyên gia các vấn đề hôn nhân và gia đình Nguyễn Thị Kim Bắc ( Tổng đài tư vấn 1088 Bưu điện TPHCM) cho hay: bà nhận được khá nhiều tâm sự của những cặp vợ chồng kết hôn mười mấy, hai mươi năm nhưng chưa bao giờ động chạm đến tiền bạc của nhau, thậm chí không biết thu nhập của người kia như thế nào. Tiền của ai người đó tiêu, tiền của ai người đó giữ, chỉ cần cả hai vẫn có trách nhiệm chi tiêu cho gia đình. Bà nhận xét “đó thường là những cặp vợ chồng mà cả hai đều độc lập, tự chủ về kinh tế, có thể thu nhập cao hoặc có thừa kế, người này không muốn phụ thuộc kinh tế vào người kia” . Bà cho rằng, trong gia đình ai giữ tiền không quan trọng, một quỹ, hai quỹ không quan trọng bằng việc vợ chồng có niềm tin với nhau và có trách nhiệm với gia đình. Một số chị em cho rằng giữ chồng bằng cách giữ tiền của chồng là không chính xác. Giữ tiền chỉ là một trong những cách để giữ chồng. Thậm chí, nếu giữ tiền chặt quá cũng có thể đẩy ông xã đến con đường ngoại tình. Nhiều người cứ nghĩ đàn ông có nhiều tiền sẽ ngoại tình, nhưng kể cả không có tiền, anh ta vẫn có thể ngoại tình. Theo bà, vợ chồng tự giữ tiền có khi còn tốt hơn là một người giữ cho cả hai và gây khó khăn cho người kia khi chi tiêu.
Tuy nhiên, cùng là nhận định vấn đề trên nhưng giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM) lại không lạc quan như thế. Ông cũng cho rằng vợ chồng mỗi người một tài khoản riêng là tâm lý của xã hội hiện đại, từ sự phân công lao động cụ thể trong xã hội dẫn đến sự phân công chi tiêu và trách nhiệm trong gia đình…“Tuy nhiên vợ chồng không thể sống theo kiểu công nghiệp và phân công rõ ràng như thế được, bởi vợ chồng còn rất nhiều cái chung nhau: con cái, họ hàng… Vợ chồng có thể mỗi người vẫn giữ một tài khoản, nhưng tốt hơn là nên lập thêm một tài khoản chung để lo những việc chung như xây dựng nhà cửa, lo cho hai bên nội ngoại…", ông Hiền khuyên.
Ông cho rằng đã là vợ chồng thì nên có ý thức thông báo cho nhau về các khoản thu nhập đồng thời hỗ trợ giám sát lẫn nhau. Nếu vợ chồng không giám sát nhau sẽ không thể giúp nhau hoàn thiện, không biết gì về thu nhập của nhau có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những cái xấu như cờ bạc, tham nhũng, hối lộ... Chưa kể, vợ chồng hai tài khoản cũng dễ dẫn đến tình trạng ngoại tình, khi người đàn ông không bị vợ giám sát về tiền bạc sẽ thoải mái chi tiêu cho người tình.
Những nhận xét của giáo sư Gia Hiền cũng giống như những gì vừa xảy ra với gia đình chị Vân, nhân viên một bệnh viện tại Hà Nội. Lương của chị không cao nhưng bố mẹ chị rất giàu, thường xuyên cho tiền con gái, vì thế chị không quan tâm nhiều đến thu nhập của chồng. Chị lo tất cả chi tiêu trong nhà từ tiền chợ hàng ngày đến tiền học hành cho con. Chồng làm giám sát bán hàng của một nhãn hàng, đóng góp cho gia đình bằng cách thỉnh thoảng mua sắm những đồ đạc có giá trị, đắt tiền.
Là bạn học của nhau từ thời cấp ba, yêu nhau 6 năm mới cưới, chị tin tưởng chồng tuyệt đối. Chị vẫn đinh ninh chồng làm ăn tử tế, lương cao, cho đến một ngày có một nhóm xã hội đen đến tận nhà đòi nợ, chị mới biết chồng là một con nghiện cờ bạc và cá độ. Hóa ra, tất cả những món đồ chồng chị mua về nhà đều từ tiền trúng bạc. Thậm chí, anh còn nuôi được bồ nhờ tiền trúng độ, sắm cho cô bồ hẳn một cửa hàng thời trang.
Với những chia sẻ cũng như nhận định của các chuyên gia về vấn đề độc lập tài chính giữa vợ chồng như trên, chúng tôi hi vọng các cặp vợ chồng đã có cái nhìn khái quát, phân tích được lợi hại để dung hòa mối quan hệ tài chính giữa vợ chồng.
Chúc bạn luôn thành công và hạnh phúc!